Có thể nói Resident Evil là một trong những dòng game kinh dị thuộc hàng huyền thoại luôn rồi. Phần đầu tiên ra mắt vào năm 1996 và nó đã tạo được tiếng vang lớn trong làng game, và với đợt ra mắt Resident Evil Village vào tháng 5/2021 thì dòng game này lại một lần nữa nổi lên như cồn. Tuy nhiên, phần lớn lời khen ngợi là dành cho phiên bản remake của phần 2 và phần 3 nhờ cân băng được các yếu tố máu me, kinh dị, hành động vốn làm nên tên tuổi của dòng game này. Vì thế cho nên đây là một thời điểm hợp lý để chúng ta cùng nhìn lại 10 tựa game Resident Evil nổi bật, xứng đáng được Capcom remaster hoặc remake.
Resident Evil: Revelations
Có thể nói, ngay từ lúc ra mắt trên hệ máy 3DS thì Revelations đã lập tức trở thành một viên ngọc sáng của làng game kinh dị. Bởi lẽ các tựa game thuộc vũ trụ Resident Evil ra mắt lúc bấy giờ đang quá tập trung vào yếu tố hành động nhập vai thay vì bám theo yếu tố kinh dị đáng lẽ phải có ở một tựa game lấy bối cảnh đại dịch zombie. Bên cạnh 3DS thì Revelations cũng khá là nổi trên các hệ máy console khác, tuy nhiên thì do còn một số hạn chế nhất định nên tựa game này đã không bành trướng được phạm vi đúng như mong đợi.
Resident Evil: Revelations cho phép người chơi (lần đầu tiên lúc bấy giờ) điều khiển 2 nhân vật được xem như biểu tượng của cả series là Jill Valentine và Chris Redfield. Game còn có chế độ đột kích chơi khá là vui, cấp độ khó của kẻ địch và nhiệm vụ sẽ thay đổi theo từng màn chơi. Ngoài ra thì bạn còn có thể đi loot các vũ khí mới hoặc kiếm đồ nâng cấp cho các vũ khí cũ, nói chung là tựa tựa như các tựa game nhập vai vậy. Tuy nhiên, chất lượng đồ họa bên ngoài các khu vực chơi chính không được cao cho lắm, cộng với lại thiết kế ngoại hình của các con zombie cũng khá là buồn tẻ và có phần lặp đi lặp lại.
Tóm lại thì qua các yếu tố nêu trên, từ cái hay đến cái cần cải thiện thì chúng ta cũng phải đồng ý rằng Resident Evil: Revelations xứng đáng được remake.
Resident Evil 5
Resident Evil 5 là một trong những tựa game khét tiếng nhất cũng như là bán chạy nhất của dòng game Resident Evil. Mặc dù nhận về hơi nhiều luồng ý kiến trái chiều một tí do lối chơi có phần khác biệt so với lối chơi kinh dị truyền thống trước kia của toàn series, nhưng phần 5 này vẫn được đánh giá là ổn về mặt tổng thể.
Vào thời điểm đó thì đồ họa của Resident Evil 5 được đánh giá là một trong những đồ họa game thuộc hàng đỉnh của đỉnh, và nếu bạn có cơ hội chơi lại lần nữa thì sẽ thấy đồ họa của nó… vẫn đỉnh như ngày nào. Chỉ có điều là có một số tính năng của game đã có phần lỗi thời, không còn hợp với phong cách chơi của game thủ hiện nay. Ví dụ như bạn không thể vừa di chuyển vừa bắn cùng một lúc, cơ chế điều khiển cũng khá là khó khăn, cột truyện cũng kém hấp dẫn và đặc biệt là tư duy của những người đồng đội gắn bó với bạn trong game cũng có phần hơi ngốc nghếch.
Bên cạnh đó, game cũng dính phải một số cáo buộc về phân biệt chủng tộc khi có cảnh lính Mỹ da trắng bắn hạ những người nghèo Châu Phi bị biến thành Zombie. Nói chung thì dù vướng phải những ý kiến trái chiều không hay nhưng một tựa game có đồ họa đẹp như Resident Evil 5 vẫn xứng đáng có một bản remake để cải tiến lại toàn bộ các điểm hạn chế và nhấn mạnh thêm về yếu tố kinh dị.
Resident Evil: Dead Aim
Là một tựa game tương tự như Resident Evil 4, Resident Evil: Dead Aim được thay đổi từ góc nhìn cố định sang thành góc nhìn thứ 3, cũng như là tập trung hơn vào gameplay bắn súng và hành động. Dead Aim sở hữu hiệu ứng ánh sáng đẹp mắt và mô hình zombie khá chất, tuy nhiên thì đồ họa có phần hơi bị tẻ nhạt so với các phần game gốc khác của series.
Ngoài ra thì mô hình nhân vật chính và mô hình của các kẻ địch khác nhìn rất xấu, không tạo được thiện cảm mấy cho người chơi. Nhưng nhìn chung thì đây vẫn là một trong những phần game có yếu tố bắn súng sinh tồn được yêu thích nhất thuộc nhánh game của toàn bộ series, chính vì thế “viên ngọc nhỏ” này xứng đáng có cơ hội thứ 2 để thay đổi và phô trương được tiềm năng thật sự của nó.
Resident Evil Gaiden
Nói một cách khái quát thì đây là tựa game Resident Evil có lối chơi mới lạ trên nền tảng Game Boy Color. Game có bối cảnh trên con tàu và sẽ chơi theo góc nhìn từ trên xuống. Thay vì cố gắng nhồi nhét một tựa game lớn vào hệ máy với sức mạnh phần cứng hạn chế thì nhà phát triển đã tìm được cách khai thác sức mạnh của hệ máy Game Boy.
Khi chuyển sang chế độ combat thì game sẽ đổi thành góc nhìn thứ nhất và bạn sẽ phải hoàn thành một minigame được thiết kế theo kiểu giai điệu nhạc (rhythm) để tiêu diệt lũ zombie. Về cốt truyện thì đã có không ít game thủ khá là bất ngờ vì nó rất “ổn áp”, và đây cũng là một trong số ít lần bạn được điều khiển nhân vật Barry Burton với bộ râu rậm rạp chiến đấu cùng với Leon S. Kennedy.
Capcom có thể remake phần này và đưa nó lên nền tảng máy chơi game cầm tay với đồ họa bắt mắt hơn và âm thanh được trau chuốt hơn, cho phép game thủ trải nghiệm một góc nhìn mới về dòng game kinh điển này.
Resident Evil
Đồng ý là Resident Evil (1996) đã từng được remake cho nền tảng GameCube vào năm 2002 rồi, nhưng từ thời điểm đó đến bây giờ cũng đã ngót nghét… 20 năm trời. Vì thế cho nên làm thêm một bản remake thứ 2 cũng là điều hợp lý. Bản remake đầu tiên được bổ sung và cải thiện hầu như là về mọi mặt: thêm khu vực mới để khám phá, thêm kẻ địch và trùm mới, còn mấy con ma cũ thì được “nâng cấp” để thông minh hơn. Những con cá mập trong bản remake này cũng rất đáng sợ, và tất cả những điều này đã giúp Resident Evil remake (2002) chiếm được cảm tình của fan.
Tua nhanh đến thời điểm hiện tại thì ai lại chẳng muốn khám phá Spencer Mansion theo phong cách đồ họa 3D, cùng với đó là những tính năng xịn sò mà dòng game Resident Evil hiện đang có đúng không? Thử tưởng tượng Crimson Head hoặc Lisa Trevor có khả năng bám đuôi bạn bất cứ đâu trong căn biệt thự như Mr. X. Hoặc để đánh bại con rắn khổng lồ Yawn thì bạn cần phải có chiến thuật hẳn hoi, chứ không thể nào xài chiêu chạy lòng vòng như trước kia được.
Resident Evil Outbreak Series
Vào thời bấy giờ, chả ai chắc kèo được rằng việc chơi game qua mạng là một tính năng sẽ thành công, cho nên Capcom đã quyết định đánh 1 ván bài với Raccoon City. Cả Outbreak và phần 2 (File#2) đều có sự góp mặt của những cái tên quen thuộc, mỗi người sẽ có một kỹ năng riêng biệt để sống sót qua con trăng. Bạn có thể phối hợp với những người chơi khác qua Internet, nhưng vì game này ra mắt trên nền tảng PS2 nên tính năng này hoạt động không được như mong đợi cho lắm.
Ở thời điểm hiện tại thì việc chơi game qua mạng là thứ vô cùng phổ biến, đi đâu cũng thấy, cho nên đây sẽ là thời điểm thích hợp để làm mới tựa game này. Resident Evil Outbreak cũng nổi bật nhờ nhấn mạnh vào yếu tố sinh tồn lẫn chiến thuật. Ở góc màn hình sẽ có một thanh virus tăng dần; khi nó đạt 100% thì màn chơi sẽ kết thúc nếu bạn chọn chế độ chơi đơn, còn với chế độ chơi online thì bạn sẽ bị biến thành con zombie. Thanh này sẽ tăng theo thời gian hoặc khi bị kẻ địch tấn công, còn thảo mộc và thuốc sẽ giúp hạ bớt thanh này xuống. Đây là một tính năng khá là thú vị và có thể cải thiện thêm, hoặc là bổ sung vào những game hiện tại để tăng độ khó cũng được. À, trong game còn có con voi zombie nữa đó.
Resident Evil Survivor Series
Không thể phủ nhận rằng đây là một trong những tựa game Resident Evil tệ nhất, thậm chí hậu bản của nó cũng không khá hơn là bao. Tuy nhiên, chúng ta biết rằng Capcom có thể làm những game bắn súng thú vị như Resident Evil: Dead Aim và Resident Evil: Chronicles. Nếu được thì Capcom có thể remaster tất cả những game này rồi bỏ nó vào chung một gói game (bundle) cũng được. Nếu điều này trở thành sự thật thì đây sẽ là loạt game cực kì thích hợp để chơi trên Nintendo Switch.
Ngoài ra, đây còn là một cơ hội tốt để sửa lại phần cốt truyện, vì mạch truyện gốc không hề liên quan đến những gì mà game thủ quen thuộc, và nó cũng chẳng bổ sung được gì cho cốt truyện chính. Phương án an toàn nhất có thể là tận dụng những nhân vật như Ada để lấp vào những chỗ còn thiếu sót, chẳng hạn như Chris Redfield đã làm gì trong khoảng thời gian giữa phần game đầu tiên và phần Code Veronica. Nói chung là thêm gì cũng được, vì Capcom không thể nào làm series này tệ hơn được nữa đâu.
Resident Evil: The Mercenaries
Game này tính ra cũng đã 10 năm tuổi rồi các bạn ạ. Đây là một tựa game Resident Evil dành cho hệ máy Nintendo 3DS, tận dụng chế độ Mercenaries vốn được game thủ ưa thích trong phần 4 và biến nó thành một trò riêng. Vào thời điểm ra mắt, chế độ Mercenaries gần như phổ biến không kém gì phần game gốc, vậy mà không hiểu sao trong những phần sau đó lại không có chế độ Mercenaries.
Tuy nhiên, Resident Evil: The Mercenaries lại không được hoàn hảo cho lắm. Nó giống như là bản demo thử nghiệm, xem xem phần cứng của 3DS mạnh đến đâu. Màn chơi thì ít, chế độ chơi cũng nghèo nàn, ngoài ra thì bạn muốn chơi lại từ đầu cũng không được (nhằm hạn chế tình trạng bán lại game). Chính vì thế nên The Mercenaries sẽ là một ứng cử viên phù hợp để được remake, bổ sung thêm màn chơi, vũ khí, trang phục, nhân vật cho thêm phong phú. Mỗi nhân vật nên có kỹ năng, điểm mạnh và điểm yếu riêng. Ngoài ra thì đây cũng là cơ hội để Capcom bổ sung những ý tưởng độc lạ, hiếm khi nào thấy trong các phiên bản chính.
Resident Evil – Code: Veronica
Đây là một trong những tựa game Resident Evil mang tính đột phá về mặt đồ họa với môi trường được xây dựng theo kiểu 3D. Tuy nhiên, game vẫn sử dụng cơ chế góc quay camera cố định nên đã có không ít game thủ cực kì khó chịu với Code: Veronica. Trong phần này thì anh em nhà Redfield đã được gặp nhau, nhưng tiếc là cốt truyện lại nhạt toẹt các bạn ạ.
Bầu không khí trong phần này vẫn u ám và khá là ngột ngạt, cộng thêm vào đó là bối cảnh nhà tù trên hòn đảo đầy bí hiểm với những căn phòng thí nghiệm thông thường và những ngôi nhà sang trọng. Những con quái vật mới như Bandersnatch là một bổ sung khá là hay ho, và dĩ nhiên là khi được làm mới thì nó sẽ còn chân thực và sống động hơn nữa.
Tuy nhiên, game này lại có khá là nhiều điểm bất cập. Chẳng hạn, nếu bạn không biết tiết kiệm đạn dược và vật dụng thì bạn sẽ phải chơi lại checkpoint trước đó. Hoặc như nhân vật Steve thì cũng cần phải thiết kế lại một xíu, chứ cứ dõi theo Claire hoài thì cũng… hơi kì.
Resident Evil 0
Resident Evil 0 là tựa game phải nói hay đáo để các bạn ạ. Như tên gọi của nó, đây là phiên bản tiền truyện của phần Resident Evil đầu tiên và sử dụng cơ chế góc quay camera cố định y như phiên bản Resident Evil remake (2002). Bạn sẽ được điều khiển Rebecca Chambers – thành viên còn sống sót cuối cùng của đội Alpha Team trong phần đầu – và Billy Coen – một nhân vật… chả ai thèm nhớ.
Game có cơ chế khá là lạ với nhiều yếu tố co-op buộc người chơi phải chuyển đổi qua lại giữa 2 nhân vật. Đồ vật trong game chỉ có thể chia sẻ và mang theo giữa 2 nhân vật chứ không còn dùng hộp đồ như trước nữa. Điều này khá là phiền phức, và game thủ thì muốn sử dụng cơ chế cũ hơn.
Cốt truyện và nhân vật trong game này cũng chưa được trau chuốt cho lắm, còn những kẻ địch mới thì không có gì quá nổi bật. Tuy nhiên, Resident Evil 0 vẫn có những màn chơi rất đặc sắc, như khu tàu hỏa lúc mở đầu chẳng hạn. Đồ họa trong game này cũng rất ổn, cho nên về khoản này thì không cần cải thiện gì nhiều cả, chỉ cần cải thiện chất lượng một chút và thêm một số kẻ địch thú vị vào trong game là được.
Nguồn: What Culture
Mời các bạn theo dõi fanpage của chúng mình theo đường link dưới đây để cập nhật những tin tức về game, công nghệ và nhiều thông tin thú vị khác nữa nhé!
Xem Chi Tiết Ở Đây >>>
Bạn có thể quan tâm:
>> Top những món đồ chơi công nghệ được ưa chuộng nhất
>> Loạt món đồ công nghệ tiện ích nâng đẳng cấp ngôi nhà của bạn
>> Phụ kiện Hi-tech - Cập nhật các sản phẩm phụ kiện điện thoại
0 nhận xét:
Đăng nhận xét